Tật sứt môi, hở hàm ếch

Tật Sứt Môi và Hở Hàm Ếch Là Gì Và Nguyên Nhân?

điều trị tật sứt môi hở hàm ếch

Tật sứt môi và hở hàm ếch là dị tật bẩm sinh.

Tật sứt môi xảy ra khi phần môi trên của trẻ sơ sinh không dính liền với nhau. Hở hàm ếch xảy ra khi các cấu trúc của vòm miệng không đóng khít một cách bình thường, tạo nên một lỗ trống ở vòm trên miệng.

Những dị tật bẩm sinh này có thể là do di truyền từ một mình hoặc cả 2 người bố hoặc mẹ, hoặc do các yếu tố môi trường tác động lúc mang thai như hút thuốc, uống rượu, dùng chất kích thích, dùng thuốc điều trị bệnh, nhiễm virus hay thiếu dinh dưỡng.

Ảnh Hưởng Của Tật Sứt Môi và Hở Hàm Ếch

Trẻ sơ sinh có thể khó nuôi vì những vấn đề như không thể ngậm vú hay trào ngược lên mũi. Những đứa trẻ bị hở hàm ếch dễ bị nhiễm trùng tai và nên được khám bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Môi và vòm miệng có vai trò quan trọng trong sự hình thành âm thanh, dó đó sứt môi hở hàm ếch ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phát âm .

Chẩn Đoán Tật Sứt Môi và Hở Hàm Ếch

Tật sứt môi và hở hàm ếch được chẩn đoán lúc sinh hoặc bằng siêu âm khi mang thai. Các dị tật sứt hở này có thể điều trị đơn giản nhưng cũng có thể phức tạp tùy thuộc vào kích thước của vết hở, và mức độ ảnh hưởng đến việc thở, ăn và nói của trẻ.

Phẫu Thuật Điều Trị Tật Sứt Môi và Hở Hàm Ếch

Cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Việc phẫu thuật cho trẻ bị tật khe hở môi-hàm càng sớm càng giúp trẻ cải thiện được khả năng ăn uống, khả năng nói và khuôn mặt của trẻ.
  • Không nên để trẻ quá lớn mới đi phẫu thuật vì ảnh hưởng nhiều đến việc bú, ăn uống và tập nói.
  • Nếu vì lý do nào đó mà trẻ không đủ số cân nặng khi đã đủ tháng tuổi để phẫu thuật thì cũng không nên quá muộn. Cụ thể, trẻ bị khe hở môi không nên để quá 6 tháng tuổi và trẻ bị khe hở hàm ếch không nên để quá 2 tuổi mới đi phẫu thuật.
  • Đối với tật khe hở môi: Độ tuổi tốt nhất để thực hiện phẫu thuật là sau từ 4 đến 6 tháng tuổi.
  • Đối với tật khe hở hàm: Tuổi tốt nhất để thực hiện phẫu thuật là sau 18 tháng tuổi.

 Các phẫu thuật sửa chữa lần 2 có thể thực hiện ở các thời điểm sau:

  • Phẫu thuật chức năng nói do thiếu hụt màng hầu khi trẻ được 5 tuổi
  • Ghép xương ổ răng lúc trẻ 8 – 11 tuổi
  • Nâng hàm trên lúc trẻ 15 – 16 tuổi
  • Phẫu thuật mô mềm lần thứ hai và chỉnh hình mũi khi trẻ 18 tuổi

 

Chăm Sóc Sau Phẫu Thuật cho trẻ sứt, môi hở hàm ếch

Sau khi phẫu thuật điều trị tật sứt môi hở hàm ếch, trẻ vẫn có thể vấp phải một số vấn đề trong chức năng ăn uống, phát âm. Gia đình cần động viên trẻ nói càng rõ càng tốt, và thực hiện các bài tập phục hồi chức năng cho môi và lưỡi.

Cách tập cho môi và lưỡi

Miệng trẻ nếu không hoạt động tốt sẽ luôn luôn há ra và nhỏ nước dãi, tình trạng này thường làm cho lưỡi không phát triển và ảnh hưởng đến chức năng nói của trẻ. Để sửa chữa tình trạng trên không nên bắt trẻ phải ngậm miệng lại vì điều này thường không thành công và đôi khi có tác dụng ngược lại. Nên thực hiện các bài tập sau cho trẻ:

- Gõ nhẹ vào môi trên và xoa nhẹ nhàng môi dưới nhiều lần mỗi ngày.

- Căng nhẹ nhàng các cơ của môi. Động tác này giúp trẻ ngậm miệng lại.

- Để làm cho môi và lưỡi mạnh hơn, bôi một chút mật hoặc nước đường vào môi trên hoặc môi dưới và động viên trẻ cố gắng liếm sạch chỗ đó.

- Cho trẻ ăn thức ăn rắn khi trẻ có thể nhai được, khuyến khích trẻ nhai các đồ chơi sạch (không phải bú ngón tay). Các động tác này sẽ giúp trẻ phát triển hàm và miệng.

- Tập cho trẻ chơi một số trò chơi như: thổi bong bóng xà phòng, hút và thổi bong bóng trong ly nước bằng ống hút, thổi sáo…

- Khuyến khích trẻ làm phát ra các loại âm nhau bằng miệng như dùng tay bạn vỗ nhẹ vào môi trên hoặc môi dưới của trẻ hoặc dạy trẻ cách ngậm miệng lại, chu môi và phát ra các loại âm thanh khác nhau.

Cần lưu ý là trẻ rất cần được kích thích mọi cảm giác để phát triển ngôn ngữ.

Chăm sóc răng và nắn chỉnh răng

Các răng sữa của trẻ cần được giữ cho đến khi các răng vĩnh viễn mọc lên thay thế (khoảng 7-10 tuổi). Sự tồn tại của hệ răng này là rất quan trọng không những cho việc ăn, nhai mà còn giúp định hình cho sự phát triển của xương hàm và hệ răng vĩnh viễn sau này của trẻ.

Trẻ bị khe hở môi - hàm thuờng dễ bị sâu răng do thức ăn, sữa đọng lại ở vùng khe hở - hàm và vùng môi mới phẫu thuật. Việc vệ sinh làm sạch vùng miệng và các bề mặt răng nhiều lần trong ngày sẽ hạn chế được bệnh sâu răng (súc miệng sau khi ăn, dùng gạc thấm nước lau sạch các bề mặt răng, tập dần cho trẻ tự chải răng khi có thể).

Dạy phát âm và phẫu thuật sửa chữa lần thứ 2

Để trẻ có thể nói tốt sau phẫu thuật ngoài việc giúp đỡ của bố mẹ, cần đưa trẻ đến những trung tâm tập luyện phát âm với sự giúp đỡ của các chuyên gia phát âm và các thiết bị hỗ trợ.

Ở trẻ bị khe hở môi - hàm, các răng vĩnh viễn khi mọc lên thường bị lệch lạc và chen chúc nhau, đặc biệt là nhóm răng cửa và nanh có thể thiếu mầm răng cửa bên làm cho khuôn mặt của trẻ trông khó nhìn.

Việc nắn chỉnh các răng ngay thẳng trên cung răng sẽ được tiến hành vào lúc 9-13 tuổi, sau khi trẻ đã được phẫu thuật môi và hàm ếch ổn định và các răng vĩnh viễn đã mọc đủ trên cung hàm.